Shambhala Vietnam
Thiền Trà
I. Uống Trà
Thói quen uống trà của người Việt đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Trong mỗi gia đình hầu như đều có một bộ đồ trà dùng để uống hoặc để đãi khách. Mỗi khi khách đến nhà chơi, chủ nhà đem bình trà mới pha và bộ tách trà ra tiếp khách coi như là một nghi lễ không thể thiếu. Về cách pha chế trà của người Việt phải chú ý đến các điều sau:
Nhất thuỷ (nước pha trà). Nước phải là thứ nước mưa được hứng giửa trời. Cẩn trọng hơn nữa, nước đun trà có người còn đi lấy từ các nguồn suối thiên nhiên, hay từ một số mạch giếng không bị ô nhiểm, hoặc thứ sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào sáng sớm.
Nhì trà (loại trà). Trà ta, thì có các loại trà xanh (trà móc câu, trà Thái Nguyên, v.v.), hoặc trà tẩm hương (trà sen, trà lài, trà cúc, trà sói, trà ngâu v.v.)
Tam bôi (chén). Một bộ đồ trà thường có bốn chén quân, một chén tống để chuyên trà, chén thường là loại chén dạng hạt mít (mắt trâu).
Tứ bình (ấm). Bình cũng có bình chuyên và bình tống. Tùy theo lối uống “độc ẩm”, “song ẩm”, “tứ ẩm” hay “quần ẩm” mà có những loại bình tương ứng.
Nói đến thú uống trà không thể không nhắc đến bài tùy bút “Chén trà trong sương sớm” của Nguyễn Tuân , Ông viết : “Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi, nếu trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tí triết lý và tâm lý… Các cụ cứ suy cái lẽ một bộ đồ trà chỉ có đến bốn chén quân thì các cụ đủ biết cái thú uống trà tầu không có thể ồn ào được. Lối giao du của cổ nhân đạm bạc chứ không huyên náo như bây giờ. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng ngồi bên một ấm trà.”
Không phải chỉ riêng có người Việt thích uống trà mà nhiều dân tộc khác cũng thích uống trà. Đặc biệt người Nhật đã tôn việc uống trà thành Trà đạo. Các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đều có một cung cách thưởng ngoạn uống trà giống nhau. Người Anh thường uống trà vào lúc chiều tối. Các nhà quyền quý uống trà lại càng cầu kỳ hơn. Nhưng thú vị nhất là các thiền sư tự nấu nước pha trà độc ẩm. Uống trà làm cho con người trầm mặc và tĩnh lặng hơn, là một cách để tĩnh tâm giúp cho tâm hồn được thư giản, quên bớt phiền não… Cho nên việc uống trà trở thành một triết lý sống, một nghi thức đặc biệt mang nhiều tính chất cao quý. Người uống trà khi bước vào nghi thức trà lễ là đã tự rũ bỏ tất cả cuộc đời náo nhiệt, quên hết dục vọng và tâm hồn được hòan toàn yên tĩnh như mặt nước yên bình. Với người thế tục uống trà là để tìm sự an tĩnh cho tâm hồn nhưng với người thiền định thì uống trà là một phương cách để tĩnh tọa: “Trà vị thiền vị thị nhất vị” (Trà và thiền là một).
II. Trà và Thiền
Vậy trà thiền là gì? Nói một cách đơn giản trà thiền là một phương pháp thiền thông qua việc uống trà. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi nền văn hóa khác nhau, mọi tôn giáo đều có thể thực hiện được. Trà thiền ở đây khác hẳn với trà đạo của Nhật Bản.
Khi nói đến trà và thiền nhiều người tự hỏi: “Trà và thiền có tương quan gì với nhau?” Chỉ cần thực hiện sống riêng biệt với hai việc trên là chúng ta tức khắc tìm thấy sự tương quan giữa chúng. Hầu hết tất cả mọi người đều có “tâm viên , ý mã” (tâm như con vượn , ý như con ngựa), nhảy nhót, bay chạy lung tung. Nó nhảy từ một ý tưởng nầy sang một ý tưởng khác. Chúng ta chỉ cần một chút nỗ lực định tâm, và nhận thức hoàn toàn việc chúng ta đang làm, không một thoáng liên tưởng nào về quá khứ hay tương lai thì chúng ta sẽ có cảm giác như nhìn rõ được chân tướng của vũ trụ hữu hình. Khi chúng ta nhắp một ngụm trà, chúng ta cũng sẽ cảm thấy có một cảm giác tương tự. Chúng ta có thể hành thiền trong khi đi bộ, biểu diễn bắn cung, nghe nhạc suy niệm hay uống một tách trà mà chúng ta yêu thích. Khi uống trà, chỉ nghĩ đến việc lựa chọn vài nhúm trà, mùi của trà, tiếng reo của ấm nước đang sôi và cảm giác cái vị của hớp trà đầu tiên trên môi chúng ta. Việc nhận thức chén trà đầu tiên sẽ làm cho chúng ta có cảm giác bị nhấn chìm vào một vũ trụ mà trong đó chỉ có mình, tách trà và thế ngồi của chính mình. Thực hiện được các điều trên là chúng ta đã đi vào thiền định, lâu hay mau tuỳ theo sự thoải mái của cơ thể. Như thế chúng ta sẽ có được những giây phút an lạc, tim sẽ đập nhẹ nhàng hơn và hơi thở sẽ sâu lắng hơn. Sau đó chúng ta sẽ làm việc với những giờ phút còn lại trong một trạng thái ý thức và thỏa mái hơn. Bởi vì trà tạo cho cơ thể một trạng thái tỉnh thức êm dịu mà hàng ngàn năm trước các thiền sư đã dùng nó để tập trung lâu dài trong suốt thời gian thiền định. Và nhiều người khác cũng đã công nhận đặc tính vượt trội nầy của trà. Ngày nay các nhà khoa học đã chứng minh chất Theanine là một Amino Acid chỉ tìm thấy trong cây trà (trà xanh, trắng hay đen chỉ là những sản phẩm chế biến nhưng cũng đều có đặc tính trên). Chất Theanine kích thích hoạt động của alpha sóng não. Làn sóng alpha này xảy ra khi chúng ta tỉnh táo và thư giản. Kinh nghiệm về thiền cũng cho ta thấy có hiện tượng làn sóng alpha này ở trong não.
III. Thưởng Trà
Cách thức uống trà phổ thông của người Việt thì thường không cầu kỳ. Người bình dân uống kiểu bình dân, quan lại, quý tộc có tiệc trà kiểu quý tộc. Tất cả đều thể hiện sự trân trọng, lòng hiếu khách. Người Trung Quốc nâng việc uống trà thành nghệ thuật gọi là Trà Kinh. Người Nhật thực hiện việc uống trà thành một nghi thức Trà đạo, nhất thiết phải có đầy đủ các yếu tố: trà thất, trà viện, đạo cụ pha chế và thưởng thức trà. Thiền viện Làng Mai tổ chức thiền trà, nghi lễ rất trang nghiêm và long trọng …
Tuy nhiên các nghi thức uống trà thường rườm rà , phức tạp . Trà thiền thì khác hẳn, thông qua việc uống trà để tìm một sự tĩnh lặng sâu thẳm trong tâm hồn thì không cần phải theo một nghi thức nào hết . Có 3 cách uống trà:
Độc ẩm là uống trà một mình ở ngoài trời hay trong phòng vắng. Uống trong yên lặng hòan toàn, không suy nghĩ, không khởi lên một ý tưởng nào, chỉ thưởng thức hương vị của trà, quan sát quang cảnh chung quanh, lắng nghe tất cả mọi âm thanh từ lớn đến nhỏ, từ gần đến xa, cố gắng nhận thức khoảng trống không giữa hai âm thanh.
Nhị ẩm là uống trà với một người tri kỷ trong một không gian yên tĩnh, vắng lặng. Hai người phải thật sự yêu thương, hàn huyên tâm sự, là dịp để nói lên một cách chân thật những cảm nghĩ để thông cảm, tha thứ, giúp đỡ …
Quần ẩm là uống trà với nhiều người, là dịp để trao đổi, giao lưu kiến thức, chia sẻ các trải nghiệm trong cuộc sống.
IV. Hành Thiền cùng Trà
Trà thiền rất đơn giản không kiểu cách hình thức. Hành thiền như thế là tìm một phương thức để nâng cao thể nghiệm, một thực tế toàn diện, một phong cách sống thực sự. Cuộc sống hiện nay đang tăng tốc độ, chúng ta cũng vậy. Thực phẩm có thể nấu ăn trong vài phút, đôi khi vài giây. Đi du lịch đến những nơi khác lúc trước phải mất cả tháng, bây giờ có thể được thực hiện trong một hoặc hai ngày. Thay vì phải chờ đợi một tuần để nhận một lá thư hoặc một tờ báo, nay một báo cáo về một sự kiện, những tin tức với hình ảnh được đưa đến cho chúng ta gần như ngay lập tức. Đối với nhiều người trong chúng ta, số điện thoại đã được thay thế bằng email, cho phép truyền thông trên toàn thế giới hoặc xung quanh thị trấn, bất kể thời gian. Làm việc, chơi đùa, thậm chí suy nghĩ, đều phải thực hiện ở tốc độ cao, và có quá nhiều thứ để học, để thực hiện, để cho, để thưởng thức. Có thể nói ngày nay là một thời điểm rất thú vị để được sống… Nhưng ngày nay cũng có rất nhiều người mong mỏi sống một ngày thư thả, không quá bận rộn, thức dậy muộn hơn, ăn sáng nhàn nhã với gia đình và thực hiện công việc nhẹ nhàng hơn, ít cấp bách hơn. Và sau một ngày thư thả như thế, tâm hồn không bị căng thẳng, chúng ta sẽ được một giấc ngủ bình an. Nghĩa là sao? Nghĩa là chúng ta phải đơn giản cuộc sống, như nghệ sĩ Hans Hoffman nói: “Khả năng để đơn giản hóa có nghĩa là để loại trừ việc không cần thiết để có thể nói chuyện cần thiết.” Sử dụng trà thiền có thể đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta. Chúng ta chỉ có 24 giờ trong một ngày để ăn, ngủ, đi lại, làm việc, chăm sóc cho gia đình và cho bản thân của chúng ta. Nhưng việc chăm sóc cho bản thân của chúng ta phải được nâng lên hàng đầu, vì nếu tinh thần và thể xác của chúng ta không lành mạnh thì chúng ta cũng không làm được việc gì khác. Hãy nghĩ rằng chúng ta không có đủ thời gian và phải loại bỏ bớt những gì rối rắm phức tạp khác để chúng ta có thể tập trung vào một việc làm cho hoàn tất mỹ mãn. Đơn giản là hãy dậy sớm trước 20 phút và tận dụng 20 phút ngắn ngủi đó với một tách trà và sự tĩnh lặng. Thiền có thể thực hiện bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, có hoặc không có trà, nhưng tại sao không tăng gấp đôi niềm vui này với một tách trà yêu thích của mình? Khi tâm bất ổn tại sao chúng ta không lắng mình vào trong một chung trà? Tùy thuộc vào nơi chúng ta sống và sống với ai, hãy tìm một góc yên tĩnh nhấm nháp vài ngụm trà nóng để nhìn vào bên trong mình, sống với hơi thở của mình, nhập vào sự tĩnh lặng của nội tâm, tức là chúng ta đã vào thiền.
V. Thiền Trà tại Shambhala Vietnam
Ở Shambhala Vietnam, chúng tôi không quá tập trung Văn hóa uống Trà theo phong cách cầu kỳ, phức tạp như Trà Đạo Nhật Bản và cũng không sơ sài, cẩu thả như cách uống Trà phổ thông của người Việt. Tại đây, chúng tôi giản tiện hóa các nghi thức, tập trung cốt lõi vào Tinh thần (Thiền) và Cảm thụ (Trà).
Vừa phát triển văn hóa uống Trà, thức uống tốt cho Sức khỏe ngày càng được ghi nhận; lại vừa thực hành, tu tập – tu dưỡng Trí Tuệ, Hành Thiền thông qua Trà, uống Trà như là Thiền và ngược lại.